Kết hôn với người chết là tục lệ của người Trung Quốc thời xưa (hay còn được gọi là âm hôn – đám cưới ma). Theo thông tin của những nhà sử học, đám cưới ma có thể bắt nguồn từ thời nhà Chu (1.046 TCN – 256 TCN). Theo tín ngưỡng và tục lệ xưa, những thanh niên trẻ đã có hôn ước, đang chờ đến ngày cưới nhưng không may đột ngột qua đời thì người nhà phải giúp họ hoàn thành hôn lễ, nếu không hồn ma của họ sẽ quấy nhiễu khiến gia đình bất an. Bởi vậy, dù thế nào thì gia đình cũng phải cử hành âm hôn cho họ, sau đó mới tiến hành mai táng. Việc tổ chức một đám cưới với người âm cũng phải tiến hành như với người đang sống, không được phép bỏ qua bất kỳ một tiểu tiết nào do có nhiều người quan niệm rằng những hồn ma chưa được tổ chức hôn lễ sẽ rất "khó tính", nếu không "khéo chiều" thì người nhà sẽ bị họ "hành" đến hết đời. Bên cạnh đó, những gia đình giàu có nếu chẳng may có con cái qua đời khi chưa kết hôn thì sẽ phải tìm người sống để cưới cho con mình, còn những nhà bình thường thì sẽ tìm đến những gia đình có cùng cảnh ngộ để se duyên cho những đứa con đã mất. Còn với những thiếu niên chưa trưởng thành không may chết sớm mà cha mẹ quá thương xót con thì vẫn nhất quyết tìm đối tượng cho con vì họ cho rằng như vậy mới làm tròn bổn phận của đấng sinh thành. Thật ra, đây chỉ là một trong những hành động gửi gắm tình thương của cha mẹ. Tục lệ kết hôn với xác chết Bức ảnh trên đây được chụp tại Quảng Đông khoảng những năm 1930-1933, bên trái là tiểu thư của gia đình giàu có, bên phải là chàng trai khôi ngô tuấn tú nhưng gia cảnh nghèo khó. Bạn để ý tư thế và 2 chân của cô gái sẽ nhận thấy nó rất kỳ lạ, vì cô gái này đã chết và cơ thể được gia đình dùng dụng cụ để chống cho thẳng đứng.