lắp bắp tính nói điều gì đó nhưng lại thôi. Tôi cắm cúi ăn. Thiệt tình lâu lắm rồi mới có cảm giác ăn cơm ngon như vậy. Ngày thường ở nhà chẳng mấy khi tôi đói bụng. Ba thứ đồ ăn vặt, trái cây, sữa để đầy nhóc trong tủ lạnh, ra đường thì cỡ nửa tiếng lại có độ nhậu, cái bụng cũng quên mất cảm giác đói hết trơn.
Con nhỏ ăn ít xịt, nó ăn xong lâu lắc một hồi tôi mới ăn xong. Đám đồ ăn trên bàn còn tới quá nửa. Thiệt tình không mấy khi tôi đi ăn tiệm mà phải kêu đồ ăn, không ghệ kêu thì bạn kêu, bởi vậy cũng chẳng biết nhiều ít ra sao. Con nhỏ ngó cái mâm đồ ăn còn đầy nhóc, than:
– Thiệt tình chưa thấy ai ăn uống ngộ như anh. Lãng phí quá trời luôn!
Tôi cười khì, vẫy vẫy con nhỏ chạy bàn kêu tính tiền. Nhỏ lon ton ra ngó nghiêng một hồi, kêu:
– Của anh hết 190 ngàn.
Tôi ngẩn người. Sao rẻ quá trời luôn. Thấy con nhỏ đang đưa tay vô túi xách, tôi khoát khoát tay:
– Để đó anh trả đi Huyền. Mời phụ nữ đi ăn ai để em trả tiền, kì lắm!
Hiên ngang móc tay vô cái túi quần sau, sao nghe cảm giác là lạ à nha. Cái bóp cộm cộm của tôi chạy đâu mất tiêu, ngón tay tôi chỉ chạm vô được đúng … cái mông. Thôi xong, bữa nay đi lẹ đâu có nhớ nhét cái bóp vô quần âu, chắc nó vẫn còn đang nằm chình ình trong cái quần jean mắc trong nhà. Mặt tôi từ bình thường chuyển qua sắc đỏ, từ đỏ qua tới tái mét. Má ơi sao lại có cái vụ để quên bóp lãng xẹt vầy hả trời? Con nhỏ chạy bàn thiệt tình cũng vô duyên hết sức, ngó cái mặt của tôi bộ nó không biết tôi quên bóp hay sao mà đứng dòm chòng chọc, cái mặt còn lộ rõ vẻ sốt ruột mới thấy ghét. Đang tính kiếm đường chui xuống gậm bàn trốn đỡ vài hôm, giọng nhỏ Huyền đã nhẹ nhàng:
– Bữa nay coi như em mời người mới đi ha. Tiền nè em gái!
Tôi vốn không phải người tốt. Chuyện xấu xa gì tôi cũng làm hết trơn rồi, trừ có việc rủ gái mới quen đi ăn rồi … bắt trả tiền. Quê dữ dội luôn. Đi từ phía quán cơm về tới công sở, sao tôi có cảm giác như cặp mắt nào ngó tôi cũng lộ vẻ mỉa mai: “Cái đồ không mang tiền mà bày đặt rủ gái đi ăn”. Cúi đầu lủi thủi đi theo con nhỏ, mặc cho con nhỏ tỉnh bơ coi bộ như không có chuyện gì xảy ra, nói chuyện đều đều. Tôi nhất quyết không mở miệng, không dòm nó thêm một lần nào nữa, trừ một lần duy nhất trong ngày mà thôi:
– Huyền nè… em cho anh mượn đỡ 10 ngàn anh trả tiền gửi xe được không em?
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………….
Ngày đầu đi làm của tôi kết thúc thê thảm như vậy đó. Bà má gương mặt lo lắng nhưng tràn đầy niềm vui lăng xăng chạy ra mở cửa cho con trai mới “tan sở”. Thấy mặt của con trai không hào hứng như thường mà bí xị một cục, bả cũng không hỏi han gì nhiều, chỉ an ủi:
– Bữa đầu không có chuẩn bị, chắc cũng chưa ổn ha con. Không có sao đâu, mai mốt quen việc là thấy đỡ liền.
Tui uể oải thay bộ đồ công sở thể hình ném qua một bên, xỏ cái jean vô, kêu:
– Con chạy ra ngoài mua đồ xíu, má cứ ăn cơm trước đi.
Thiệt tình ai bắt tôi mặc bộ đồ công sở khủng khiếp kia thêm lần nữa, dám tôi sống chết với thằng cha đó lắm. Ngồi lên con xe quen thuộc, mặc bộ đồ quen thuộc, sao có cái cảm giác giống y chang như trở thành con người khác vậy nha. Tự tin thấy ớn luôn, bốn phía xung quanh những ánh mắt ngưỡng mộ từ phía các em gái lại đổ về ào ào. Có điều không biết mấy ẻm dành sự ngưỡng mộ cho nhan sắc của tui hay … cái xe của tui không biết nữa!
Tính tấp xe vô cái shop quen, chẳng hiểu nghĩ sao tôi đứng tần ngần một hồi lâu. Bóp thì cộm sẵn trong túi quần sau rồi nên không có lo chuyện quên mang tiền, nhất là cái shop này tôi có mua thiếu cũng chẳng có vấn đề gì lớn. Quan trọng là, tôi bỗng thấy … mình nên mặc đồ chợ thì hơn. Ba cái thứ đồ hiệu này, sẽ mặc, nhưng mà là trong một dịp khác, không phải bữa mai.
Tôi rút kinh nghiệm nhanh dữ lắm, lần này tránh xa con mụ bán hàng vừa đui vừa ác kia, qua tới hàng của một em gái xinh xắn mồm mép nhanh nhảu. Gái trẻ có khác, thẩm mỹ cũng tốt hơn hẳn đám gái già suốt ngày lo hét giá. Chọn chừng 15 phút, tôi cũng kiếm được 3 bộ đồ mặc vô tàm tạm, ít nhất không tệ như bộ đầu tiên. Thiệt tình có nhan sắc hơn người nó cũng là lợi thế không so bì được, tôi bận 3 cái đồ chợ vô mà sao nghe ánh mắt con nhỏ bán hàng cũng ngó mình rát rạt. Tui cũng thông cảm với lòng ái mộ của con nhỏ nên chẳng nỡ la nó, rút tiền ra trả khỏi lấy lại tiền thối. Dù mới bị quê độ bữa trưa nay, nhưng phong độ của dân chơi đâu phải là thứ có thể mất đi trong một sớm một chiều?
Bà má ngó tôi xách bọc đồ công sở về, lật ra ngó nghiêng coi một lúc, phán:
– Sao má thấy mấy bộ này nhìn khó coi quá vậy?
Tôi cũng hơi khâm phục con mắt tinh đời của má. Người đâu mà tài dữ dội, mân mê ngắm nghía mất nửa ngày đã phát hiện ra ngay cái sơ mi mua ngoài chợ không phải là … hàng hiệu. Tôi thủng thẳng:
– Thì hàng chợ đó má. Đi làm bày đặt mặc ba cái thứ đồ hiệu vô, không có hợp.
Mắt bả sáng lên một tia hạnh phúc mãnh liệt. Ý chừng trong mơ bả cũng không ngờ thằng con trai đàng điếm quen xài tiền nhà của bả bữa nay có thay đổi tới 180 độ lận. Ngó gương mặt sung sướng của bả, tôi cũng ráng kiềm không nói ra câu kế: “Thêm nữa, cái công ty đó con cũng coi như cái chợ, mặc ba cái đồ này đúng hợp luôn”.
Sáng sớm hôm sau, tôi lục cục bò dậy sớm thiệt sớm. Rút kinh nghiệm bữa trước, tôi ung dung ăn sáng cafe thảnh thơi luôn mới lóc cóc ra xe đi làm. Bà giúp việc đang loay hoay dắt cái Max ra ngoài, chắc tính đi mua bán lặt vặt sớm. Tôi ngó vậy, ngăn bả lại:
– Chị Hương, để xe đó em mượn vài bữa đi!
Bả nghệt mặt:
– Ủa xe cậu sửa xong rồi, đi cái xe này chi?
Tôi tặc lưỡi:
– Thì … tại em thích. Đi cái xe này nhỏ, dễ luồn lách. Tan sở đông người dữ lắm, em đi xe này thoải mái hơn.
Bả nhìn tôi nghi hoặc, nhưng rốt cuộc cũng dựng lại xe bên cổng.
– Thì tui để xe cho cậu đi cũng được. Nhưng tui đi công chuyện đi bằng xe gì?
Tôi chỉ đại vô cái xe ga cao ngỏng, kêu bả:
– Đó, kêu má em đưa chìa khóa, chị cầm xe em chạy luôn.
Bả la thất thanh:
– Nè cậu giỡn hả, cái xe đó tui leo lên sao nổi?
Tôi kệ bả, dắt luôn cái xe Max ra ngoài cổng, nói vọng lại:
– Thì sau nhà có cái thang đó chị….